WELCOME TO THIENQUANG
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chìa khoá tư duy tích cực

Go down

Chìa khoá tư duy tích cực Empty Chìa khoá tư duy tích cực

Bài gửi  Lý Nhã Uyên Mon Jan 02, 2012 2:20 pm

Chìa khoá tư duy tích cực (p1)
04/05/2010
Bước 1: Làm chủ tâm trí bằng niềm tin vững chắc
Trên hành trình thực hành đi đến thái độ sống tích cực, bước chân đầu tiên của bạn là làm chủ được tâm trí mình thông qua những niềm tin vững chắc.
Những quan sát của W.Clement Stone cho thấy: tâm trí và thể xác gắn liền với nhau. Bạn còn có thể định hướng cho suy nghĩ, điều khiển cảm xúc và vận mệnh của mình. William James vô cùng trân trọng nội lực tồn tại trong mỗi con người khi ông tin rằng: “Chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta hay nghĩ đến nhất”.
Mỗi người đều được sở hữu một kho báu tuyệt diệu đó là bộ não và hệ thần kinh. Một người “bình thường” (hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này) đều được thừa hưởng năng lực để đạt được bất kỳ điều gì người khác có thể, đã và đang đạt được trong cuộc sống. Tình cảm, cảm xúc, bản năng, khuynh hướng, cảm nhận, tâm trạng, thái độ và thói quen của bạn đều nằm trong tầm tay để bạn điều khiển và sử dụng vào mục đích cuối cùng. Giống như tất cả những năng lực tự nhiên khác, mỗi yếu tố trên đều ẩn chứa những giá trị tốt đẹp, nhưng cách chúng ta sử dụng chúng thì đa dạng, có thể là tích cực tập trung hoặc tiêu cực.
Tự bẩm sinh, những năng lực này đều có giá trị tốt đẹp. Chúng giống như những mặt hàng mới mẻ được bày trên kệ, luôn được đánh bóng, chiếu sáng và sẵn sàng để được mang ra sử dụng. Tuy nhiên, chúng lại không thể tự hoạt động mà cần đến bàn tay con người. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua việc quan sát trẻ em. Càng trưởng thành, những chức năng này sẽ càng trở nên rõ ràng qua suy nghĩ và hành động của chúng. Và một thực tế thường diễn ra là theo thời gian và do sự lãng quên, sợ hãi hay những ảnh hưởng xấu khác, nhiều trong số những mặt hàng đó không dùng đến và không sinh lời.
Nhưng bất kể bạn đã làm những gì trong đời mình, bạn vẫn còn đủ nội lực và khả năng để sử dụng những công cụ của tâm trí một cách đầy đủ, hiệu quả. Bạn có thể điều khiển, định hướng và cân bằng lại chúng - bằng cách phát triển thái độ sống tích cực cho mình.
Tâm trí bạn có khoảng mười tỷ tế bào, những tế bào đó đều liên quan tới nhau, và mỗi tế bào được sinh ra với mục đích phục vụ bạn. Người khôn ngoan nhất là người biết sử dụng những năng lực sẵn có ấy. Nhiều bậc vĩ nhân trong lịch sử đã đạt được thành công của họ không phải do thừa hưởng một chỉ sô IQ cao hơn bình thường, mà là do họ biết cách sử dụng và điều khiển những năng lực tinh thần của mình hiệu quả. Bạn cũng đang sở hữu những năng lực tinh thần vô hạn, nhưng việc sử dụng chúng để đem lại cho mình những lợi ích lớn lao hay không là tuỳ bạn.
Trích Chìa khoá tư duy tích cực – Michael J. Ritt, Jr

Chìa khoá tư duy tích cực (bước 2-1)
12/05/2010

Bước 2: Chỉ suy nghĩ về những điều mình thích
Bây giờ, khi đã kiểm soát được tâm trí thì bạn hãy bắt đầu điều khiển nó. Cách tốt nhất để thực hiện được điều này là buộc tâm trí phải liên tục tập trung vào những điều bạn mong muốn và loại trừ những ý nghĩ về điều ngược lại.


“Trăm nghe không bằng một thấy”. Thật vậy, hầu hết những suy nghĩ của bạn đều được biểu đạt qua ngôn ngữ, những ý nghĩ về những gì xảy ra lại diễn ra qua hình ảnh, chứ không qua ngôn từ. Khi một ý tưởng xuất hiện, bạn nhìn thấy hình ảnh về điều sẽ xảy ra hơn là nghe được những câu nói văng vẳng trong đầu. Hình ảnh là phương tiện diễn đạt mau chóng và hiệu quả của ý nghĩ.
Trong tâm trí con người, khả năng tạo ra hình ảnh có trước và nằm ở tầng sâu hơn so với khả năng tạo ra ngôn ngữ. Hình ảnh có sức hấp dẫn mạnh mẽ và trực tiếp với cảm xúc và các giác quan, trong khi đó, từ ngữ chỉ có sức hấp dẫn gián tiếp. Từ ngữ phải được chuyển dịch thành hình ảnh trước khi tâm trí bạn chấp nhận và thay đổi chúng.
Bạn phải học cách đưa suy nghĩ vào kỷ luật và “vẽ được” trong tâm trí những hình ảnh về điều bạn mong đợi hoặc tính cách mà bạn mong muốn. Chẳng hạn, bạn cảm thấy mình cần mạnh mẽ lên thì đừng chỉ bằng lòng với việc tự nhủ “Mình phải mạnh mẽ lên”, mà thay vào đó, hãy tưởng tượng xem khi đã trở thành mạnh mẽ hơn, trông bạn sẽ như thế nào? Các trạng thái cảm xúc biểu lộ trên gương mặt bạn lúc đó sẽ ra sao? Ngôn ngữ, cử chỉ của bạn có thay đổi?
Bạn có thể rèn luyện cho mình cách cư xử hòa nhã và chân thành nhờ hình dung ra những hoàn cảnh, con người và tình thế mình sẽ gặp. Ngoài ra, khi có dịp quan sát nghệ thuật ứng xử của người khác, bạn càng có thêm cơ sở để tin rằng, chắc chắn bạn sẽ làm được như vậy. Hình dung những điều tốt đẹp về một hoàn cảnh cụ thể, bạn sẽ biến được điều tốt đẹp đó thành hiện thực.
Bạn hãy nhận thức điều này: Nghịch cảnh, thất bại, nỗi buồn hay những điều trái ý bạn gặp hàng ngày (có thể từ chính bản thân bạn hoặc từ hoàn cảnh bên ngoài)… chính là cơ hội để bạn tập suy nghĩ và sống tích cực. Hãy để ý mà xem, luôn có những hạt mầm tốt lành tương xứng hoặc lớn lao hơn cả sự khó khăn, và chúng sẽ phát triển thành hoa thơm quả ngọt cho đời bạn, nếu bạn chịu khó bỏ công chú tâm vào điều tốt lành ấy.
Một trong những cách để có thái độ sống tích cực khi phải đối diện với khó khăn là biết chấp nhận buông bỏ những chuyện đã qua. Bạn không thể thay đổi được quá khứ, nhưng có thể tác động đến những điều xảy ra trong hiện tại và tương lai. Hãy tự nhủ: “Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng là để đạt được điều tốt nhất. Mọi chuyện vẫn tốt đẹp!”. Bạn hãy bắt tay vào công cuộc tìm kiếm những giá trị tốt đẹp nhất cho mình ngay từ bây giờ.
(Còn tiếp)
Trích Chìa khoá Tư duy tích cực – Michael J. Ritt

Chìa khoá tư duy tích cực (bước 3)
26/05/2010

Bước 3: Sống theo quy tắc vàng
Hãy làm cho người khác điều bạn muốn họ làm cho mình, và đừng bao giờ làm điều ngược lại.


Điều tưởng như quen thuộc và đơn giản này lại có những ích lợi lớn lao mà không mấy ai nhìn thấy. Đôi khi, sống theo quy tắc vàng đồng nghĩa với việc bênh vực, ủng hộ người khác, trở thành người bảo vệ, che chở và biện hộ cho người khác. Martin Niemoller, một nhà hoạt đông dân quyền Mỹ gốc Phi chống lại nền chuyên chế Đức quốc xã biết rõ chân lý ấy. Trong một buổi gặp gỡ với các tín đồ sau cuộc chiến, ông đã nói:
“Khi bọn Đức quốc xã đàn áp những người Cộng sản, tôi đã không lên tiếng vì tôi không phải là một người Cộng sản.
Khi chúng đàn áp người Do Thái, tôi cũng không lên tiếng vì tôi không phải là người Do Thái.
Khi chúng đàn áp những thành viên của công đoàn, tôi cũng không lên tiếng vì tôi không phải là thành viên của công đoàn.
Cuối cùng, khi chúng đến chỗ tôi, lúc đó không còn ai để bênh vực cho tôi.”
Vâng, hãy làm cho người khác điều mà họ muốn bạn làm cho mình. Mọi người và mọi hoàn cảnh xung quanh mình đều ẩn chứa rất nhiều điều tốt đẹp, do đó, hãy trở thành nhà thám hiểm để kiếm tìm những giá trị tinh anh chứ đứng trở thành kẻ đi moi móc lỗi lầm. Hãy trao sự nâng đỡ, lời khen ngợi và động viên tinh thần thay cho những lời chê trách, đổ lỗi, hận thù. Hãy sánh bước cùng người khác thêm một đoạn đường nữa để giúp đỡ họ, nếu có thể.
Thái độ sống tích cực cho thấy một điều dù nhỏ bé cũng có thể làm nên sự khác biệt lớn lao. Người ta vui sống hay đau khổ muộn phiền đều do thái độ sống tích cực hay tiêu cực mà họ tác động tới bản thân và tới mọi người.
Trong tác phẩm “The Magnificent Obsession” (Nỗi ám ảnh), Lloyd C. Douglas đã viết rằng, khi bạn đem niềm vui đến cho người khác thì niềm vui ấy sẽ trở lại với bạn gấp trăm, nhưng với điều kiện là bạn làm điều ấy một cách chân thành mà không khoe khoang, khoác lác hay tư lợi.
Daniell, còn được gọi là “chàng Jim khổng lồ”, biết rất rõ sức mạnh của niềm vui. Trước khi ông đến RMI, một hãng sản xuất titan vào năm 1976, công ty này đang chìm vào trong khó khăn không lối thoát. Kể từ đó, với tư cách là chủ tịch mới của công ty, Ngài Daniell đã thay đổi được cục diện. Ông đã thay đổi điều ấy như thế nào? Không phải với những phương tiện kỹ thuật tối tân , không phải với những tư vấn viên xuất chúng, và cũng không nhờ bằng cấp cao, mà chính là nhờ tinh thần sống lạc quan,tích cực.
“Chàng Jim khổng lồ” đã ghi nhớ tên của 700 công nhân trong công ty. Ông cho viết lên một trong những tấm bảng treo ở tường câu này: “Khi bạn gặp một người thiếu vắng nụ cười trên môi, bạn hãy trao cho anh ta nụ cười của bạn”. Với chiếc xe đẩy điện trong tay, ông luôn tươi cười mỗi khi đi thăm các tầng làm việc, tiếp xúc với anh em công nhân, và kể họ nghe những mẩu chuyện vui. Daniell luôn sống với triết lý: “Hãy làm cho người khác điều mà các bạn muốn họ làm cho mình”.
Và triết lý sống của Daniell đã thất sự mang lại hiệu quả. Lượng hàng bán ra của công ty RMI tăng cao, năng suất tăng, uy tín tăng và Ngài Daniell ngập tràn trong hạnh phúc, giàu có và sự kính trọng của mọi người.
Hãy chia sẻ với người khác một phần những gì bạn đang có. Trong khi chia sẻ như vậy, bạn đã trao đi một phần chính con người bạn – phần còn lại của bạn sẽ được nhân lên gấp bội.
Thực hành: Sống theo quy tắc vàng
Hãy nghĩ về ba điều bạn muốn người khác làm cho bạn và viết chúng ra một tờ giấy.
1 ………………………….
2 ………………………….
3 ………………………….
Sau đó, hãy cất tờ gấy đi. Bây giờ, bạn thử nghĩ xem mình sẽ làm cách nào để thức hiện cho người khác cũng từng ấy điều? Hãy sử dụng Bước 2 như công cụng để giúp bạn thực hiện: hình dung về những điều bạn thật sự mong muốn. Nếu được, hãy tìm một hình ảnh mang tính biểu tượng giúp bạn hình dung rõ hơn những điều sắp thực hiện.
Đừng chần chờ gì nữa, hãy tiến lên và thực hiện điều đó!

Trích Chìa khoá tư duy tích cực – Michael J. Ritt, J

Chìa khoá tư duy tích cực (bước 4)
03/06/2010

Bước 4: Tự kiểm để loại bỏ suy nghĩ tiêu cực


Hầu hết mọi người không nhận là mình suy nghĩ tiêu cực, trừ khi có ý thức trong việc tự kiểm tra suy nghĩ, hành động và phản ứng của bản thân. Quá trình tự phân tích này khá đơn giản. Bạn chỉ cần tự hỏi: “Ý nghĩ này là tích cực hay tiêu cực?”.


Khi bạn không thể kiểm soát tâm trí mình hay không thể chuyên tâm vào điều mong muốn đạt được thông qua sức mạnh của trí tưởng tượng, thì những phản ứng của bạn có nguy cơ rơi vào tiêu cực, thay vì tích cực.
Hãy chú ý đến hiệu quả thiết thực của quy tắc vàng – công cụ giúp bạn suy nghĩ tích cực. Rõ ràng nếu quan tâm tới việc sống tốt với mọi người và tránh xa những điều xấu thì tâm trí bạn sẽ không còn chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực.
Khi bạn bắt đầu việc thực hiện tinh thần vui sống lạc quan, những thói quen cũ thỉnh thoảng vẫn sẽ chen vào. Bạn sẽ thấy những tiêu cực của mình ẩn nấp đâu đó, sẵn sàng “tràn ra” khi bạn hé cánh cửa về hướng ấy. Bốn lý do sau có thể bao quát những điều bạn thường gặp khi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện
- Bạn cảm thấy thương cho bản thân và không thể thoát khỏi nỗi day dứt ấy.
- Bạn đang xét đoán hoặc đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh hay môi trường sống của bạn.
Ví dụ: Những người nghiện rượu thường dùng cụm từ “uống cho vơi đi nỗi buồn” nghĩa là họ đang bào chữa cho sự nghiện ngập của mình bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh.
- Cái tôi của bạn bị tổn thương hoặc bị hạ thấp, niềm kiêu hãnh của bạn bị huỷ hoại.
- Trong nhiều trường hợp, điều rõ ràng nhất nhưng lại khó nhận ra nhất là bạn trở nên ích kỷ hơn với bản thân và với người khác.
Càng luyện tập để có tinh thần sống tích cực, bạn càng có khả năng nhận ra những tư tưởng tiêu cực khi chúng vừa mới manh nha. Nhưng khi bắt đầu quá trình áp dụng thái độ sống tích cực vào cuộc sống, bạn sẽ phụ thuộc vào những phân tích của ý thức hơn. Trong hầu hết các trường hợp, nhưng tư tưởng tiêu cực thường dễ bị phát hiện, vì chúng đi lệch quy tắc vàng, hoặc khiến cho bạn tự chê trách bản thân khi lúc nào cũng chuẩn bị những suy nghĩ không mấy tốt đẹp về những đánh giá, nhận xét của người khác về mình.
Nếu trong tư tưởng của bạn có suy nghĩ rằng bạn không làm chuyện gì ra hồn cả, hãy tự hỏi xem, bạn sẽ phản ứng ra sao nếu có một người lạ trên đường bước đến và nói với bạn những lời y như vậy. Hãy đối xử với những tư tưởng đó như với một người xa lạ. Hãy bảo nó: “Mi không biết gì về năng lực của ta đâu. Mi hoàn toàn sai lầm khi nói những lời như thế”.
Những tư tưởng tiêu cực xuất hiện trong tâm trí bạn chính là “sản phẩm của quá khứ” mà bạn đã từ bỏ, chúng không liên quan gì đến việc bạn là ai và muốn trở thành người như thế nào. Bạn hãy giải quyết chúng bằng một liều thuốc độc có hiệu quả mạnh mẽ tức thì qua những suy nghĩ tích cực về bản thân, về người khác và về hoàn cảnh xung quanh.
Thực hành: Tự kiểm để loại bỏ tư tưởng tiêu cực
Hãy lập một danh sách “Những bữa tiệc mà tôi sẽ không tham dự” để sẵn trong túi hoặc ví:
- Bữa tiệc tự thương thân - Bạn cảm thấy bản thân mình thật đáng thương và tội nghiệp
- Bữa tiệc chối bỏ trách nhiệm - Bạn tìm kiếm ai đó để đổ mọi lỗi lầm lên đầu họ
- Bữa tiệc tự kiêu - Bạn phải chịu đựng cái tôi bị tổn thương.
- Bữa tiệc tham lam - Bạn trở thành người ích kỷ
Hãy nhẩm lại danh sách này mỗi khi bắt đầu một ngày mới. Mỗi khi có một ý tưởng tiêu cực trỗi dậy, bạn hãy dành cho mình một phút và tự hỏi rằng: “Chuyện gì đang diễn ra?”.
Hãy xem lại những bữa tiệc mà bạn dứt khoát không tham dự. Có phải một trong những bữa tiệc ấy đáng xuất hiện trong thái độ sống của bạn không? Khi đã xác định đúng đối tượng, bạn hãy trục xuất nó ra khỏi tâm trí.
Trích Chìa khoá tư duy tích cực – Michael J. Ritt, Jr.

Chìa khoá tư duy tích cực (bước 5)
10/06/2010


Bước 5: Hãy vui lên!
Để có thể sống vui, hãy thực hiện những hành động đem lại niềm vui! Vì bạn có thể nhờ suy nghĩ mà đổi mới cách hành động nên cũng có thể nhờ hành động mà tạo ra cho mình suy nghĩ mới.


Hãy biết thông cảm với người khác. Để trở thành người biết cảm thông, hãy biểu lộ sự thông cảm trong hành động. Hãy mỉm cười với bản thân và với thế giới.
Cuối cùng, bạn sẽ cảm nhận được sự hoà đồng và niềm vui bên trong một cách tự nhiên mà không cần phải cố gắng chú tâm vào nó nữa. Mọi người đều dễ nhận ra những con người tươi vui (và họ muốn gần gũi những người ấy). Bản chất cuộc sống sẽ thay đổi khi bạn xoá bỏ những suy nghĩ tiêu cực và hướng tâm trí vào những ý nghĩ, ký ức, trải nghiệm tốt đẹp, lành mạnh.
Nếu phải lo lắng thì hãy lo lắng một cách tích cực. Trong cuốn Psycho – Cybernetics, tác phẩm thuộc hàng best–seller, Tiến sĩ Maxwell Maltz nói với độc giả rằng hãy có những “lo lắng cầu thị”. Ông cho rằng tâm hồn lo âu là do phải suy nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy ra. Vì thế, cách tốt nhất để giải toả âu lo là tìm ra những điều tốt đẹp có thể đến.
Dưới đây là hai nguyên tắc cơ bản để tập “lo lắng cầu thị”. Bạn hãy viết chúng vào một mảnh giấy nhỏ và mang theo trong túi:
Điều tốt nhất có thể xảy ra trong hoàn cảnh này là …………………….. Điều này có thể xảy ra. Và cuối cùng thì khả năng thật sự xảy ra việc ……………………. là rất cao. Theo định kỳ, bạn hãy dùng một “liều thuốc lạc quan” theo hướng dẫn sau: Tưởng tượng ra kết quả bạn mong muốn đối với vấn đề của mình. Sau đó, tái hiện những ý tưởng này trong tâm trí để dần hình thành từ nội tâm sự tự tin và can đảm.
Maltz tin rằng tiềm thức chúng ta không phân biệt được kinh nghiệm từ trải nghiệm có thật với kinh nghiệm do chúng ta tưởng tượng ra. Để nhấn mạnh điều này, ông đưa ra bài tập sau: Mỗi ngày hãy dành ra một khoảng thời gian để nhắm mắt lại và nghĩ về kế hoạch đang hướng đến. Hãy hình dung chính bạn khi đã đạt được những mục tiêu đó. Tưởng tượng ra hình ảnh và hương vị của những điều bạn đạt được. Khi thấy tâm trí chìm trong nhưng suy nghĩ tiêu cực, hãy lập tức ra lệnh cho mình dừng lại. Sau đó, thay thế những hình ảnh ảm đạm đó bằng bức tranh về những điều bạn thật sự mong đạt được. Hãy thử và bạn sẽ thấy tác dụng của nó!
Cảm giác tuyệt vời mà bạn có được chính là thái độ sống vui tươi tích cực.


Thực hành: Ghi nhận những thành quả
Nghiên cứu sự thành công là việc cần thiết. Hãy ghi lại những chi tiết cụ thể bạn đã trải nghiệm và đi đến thành công, rồi tóm tắt chúng thành công thức chung. Việc nghiên cứu để đúc rút kinh nghiệm trong những lần thất bại cũng là việc đáng làm.
Tổng hợp những kinh nghiệm bạn hài lòng thành công thức. Chúng ta sẽ tạo thành những phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật giúp bạn tái thiết lập thành công đó sau này, khi đã áp dụng chúng vào cuộc sống cá nhân, đời sống tâm linh, gia đình, xã hội, kinh doanh, chuyên môn hoặc đời sống cộng đồng. Bạn có thể phát triển những phương pháp này vào bất cứ điều gì bạn quan tâm để đạt được kết quả tốt nhất.
Bất cứ ai đã thử và tiếp tục nỗ lực sống tích cực sẽ tìm thấy sức khoẻ, hạnh phúc, sự giàu có và thành công mà mình mong muốn.
Hãy tự hào vì những thành quả bạn đạt được, vì gia đình, tôn giáo, đất nước của bạn, và vì tất cả những gì tốt đẹp đang hiện hữu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết khiêm tốn và tự kiểm soát cảm xúc cá nhân. Người ta có quyền tự hào chính đáng về những thành quả có ý nghĩa tích cực mình đạt được, nhưng khoe khoang, khoác loác về những thành quả ấy là điều tiêu cực.
Trong tiếng Anh, một từ có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau, có cả nghĩa tích cực và tiêu cực, và chữ “Proud” (tự hào - ngạo mạn) là một ví dụ điển hình. Tự hào là cảm xúc chính đáng về cái tôi cá nhân, về giá trị, danh dự và lòng tự trọng bản thân: nhưng lại mang nghĩa tiêu cực trong câu châm ngôn: “kiêu căng dễ vấp ngã, ngạo mạn dễ sẩy chân”.
Kiêu ngạo là cảm xúc thái quá về sự hơn người, tự trọng quá mức dẫn đến tự đại. Trong thực tế, những từ đồng nghĩa với nó là “kiêu căng”, “ngạo mạn”, “bất kính”, “hống hách”, “hợm hĩnh” và “khinh khỉnh”. Còn từ trái nghĩa là “khiêm nhường”.
Trích Chìa khoá tư duy tích cực – Michael J. Ritt, Jr

Chìa khoá tư duy tích cực (bước 6)
16/06/2010

Bước 6: Sống khoan dung, độ lượng
Để cuộc sống luôn đầy ắp niềm vui trọn vẹn, hãy chia sẻ với mọi người những điều mình có. Hãy giữ tâm hồn luôn rộng mở khi hướng về mọi người. Hãy biết yêu thương và chấp nhận con người như bản chất vốn có của họ, thay vì đòi hỏi hoặc ước ao thay đổi họ theo ý muốn của bạn. Hãy tìm kiếm những điều tốt đẹp ở người khác và học cách quý mến họ.


Napoleon Hill đã viết về sự khoan dung như sau:
“Khi ánh bình minh của Sự Thông Minh lan đến đằng đông của đời người, khi sự Thờ Ơ và Mê Tín không còn tồn tại với thời gian, thì tội nặng nhất tìm thấy trong trang cuối của quyển sách cuộc đời chính là tấm lòng thiếu khoan dung.
Sự thiếu bao dung xuất phát từ sự phân biệt tôn giáo, sắc tộc, thành kiến kinh tế và tư tưởng. Than ôi, loài người đáng thương, chúng ta phải mất bao lâu mới hiểu ra sự điên rồ của mình khi cố tiêu diệt nhau chỉ vì những khác biệt trên?
Ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trái đất này là gì, thời gian mà chúng ta tồn tại là bao lâu nếu không phải chỉ là những khoảng khắc chóng qua? Như sáp nến, chúng ta được thắp lên và cháy sáng trong một thời gian giới hạn trước khi tan chảy. Vì sao chúng ta không biết cách sống khi còn là kẻ lữ hành trong cuộc hành trình ngắn ngủi trên chốn nhân gian. Để khi Thần Chết gõ cửa báo rằng cuộc hành trình đã đến hồi kết thúc, chúng ta sẵn sàng khăn gói lên đường tiến vào một thế giới bí ẩn, kỳ diệu mà không phải run rẩy, sợ hãi?
Bạn hy vọng điều gì khi bước chân sang thế giới bên kia? Riêng tôi, tôi hy vọng mình sẽ chỉ gặp được ở nơi ấy những tâm hồn người hiền hậu, những anh chị em tốt, những con người không mang tỳ vết của sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay màu da. Nơi ấy, tôi sẽ được nghỉ ngơi bình yên đến muôn đời, vì tôi từng ước mình sống trong nhân ái với lòng bao dung, độ lượng.”
Tình yêu thương và những cử chỉ ân cần tạo ra môi trường tinh thần và thể chất cho thái độ sống tích cực phát triển.

Thực hành sống khoan dung:
Bí quyết của việc chấp nhận người khác đúng với bản chất của họ là hãy hành động như bạn đã chấp nhận họ rồi. Hãy nghĩ đến người mà bạn gặp khó khăn trong việc chấp nhận họ, và viết tên của người đó:
Tên :…………………………………………………………………………
Bây giờ, bạn hãy tự hỏi mình xem, nếu tôi đã chấp nhận được người này đúng với bản chất của họ, tôi sẽ cư xử thế nào? Khi đó, hành động thật sự của tôi là gì? Hãy hình dung câu trả lời thật cụ thể. Sau đó, thực hiện trong thực tế.
Hầu hết chúng ta đều để cho cảm xúc chi phối và điều khiển hành vi. Nhiều người cho rằng họ không thể cư xử hoà nhã, độ lượng… đối với một ai đó cho đến khi hình dung được cảm xúc đúng đắn về tình yêu, sự bao dung… Nhưng thật ra, những hiểu biết mới về thái độ sống tích cực sẽ giúp chúng ta nhận ra điều này: Chúng ta có thể vượt qua được cảm xúc của mình! Bạn có thể chọn lựa thái độ cư xử với người khác đúng như những gì bạn muốn thấy về họ. Điều hấp dẫn trong việc này là bắt đầu từ đó, cảm xúc sẽ “ngoan ngoãn” vâng lời bạn.
Trích Chìa khoá tư duy tích cực – Michael J. Ritt, Jr

Chìa khoá tư duy tích cực (bước 7)
22/06/2010

Bước 7: Tự gợi ý những điều tốt đẹp
Hãy tạo điều kiện cho tâm trí trở nên tích cực mọi lúc, mọi nơi. Bạn nên hiểu rằng sức khỏe thể chất phản ánh suy nghĩ và thái độ của tâm hồn. Chắc bạn từng nghe câu châm ngôn: “Hãy nói cho tôi biết bạn suy nghĩ điều gì, tôi sẽ biết bạn là ai”. Câu này gần giống với ý nghĩa câu nói của văn hào William James: “Chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta nghĩ đến nhiều nhất”.


Điều đó có nghĩa gì? Tiềm thức có khả năng liên lạc với ý thức của bạn. Những khái niệm, ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề sẽ trở thành nguồn kiến thức mà bạn nhận được. Và hơn thế nữa, tâm trí bạn là nơi lưu trữ sức mạnh cả cụ thể lẫn dưới dạng tiềm ẩn. Ý thức và tiềm thức của bạn chỉ có thể làm việc hài hòa cùng nhau khi bạn biết cách tác động đến tâm trí mình một cách khôn khéo. Trong quyển Success Through a Positive Mental Attitude, Napoleon Hill và W. Clement Stone giải thích rằng, để đạt đến trạng thái tinh thần lạc quan, khỏe mạnh tự nhiên, bạn phải làm chủ được tâm trí mình trước những kích thích từ bên ngoài. Có ba cách làm chủ mà bạn có thể áp dụng: gợi ý, tự kỷ ám thị và ám thị do tiềm thức.
Gợi ý
Mọi kích thích đi vào não bộ qua năm giác quan – thính giác, thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác (tai, mắt, da, mũi , lưỡi) – đều là những hình thức của gợi ý. Chúng là lộ trình để những yếu tố bên ngoài “đi” vào trong và tác động đến bạn từng ngày. Mọi thứ bạn tiếp xúc đều được lưu lại trong tiềm thức qua năm giác quan. Một khi đã làm chủ được những kích thích tác động đến giác quan, bạn hãy xem tất cả những kích thích ấy như những luồng tư tưởng lành mạnh và tốt đẹp.
Tự kỷ ám thị
Tự kỷ ám thị là quy trình cung cấp kích thích cho bản thân một cách vô tình hay hữu ý thông qua năm giác quan. Cách này dùng đến trí tưởng tượng hoặc suy nghĩ. Dưới sự chỉ dẫn của “tự kỷ ám thị”, bạn được nhắc nhở rằng những gì đi vào tâm trí qua năm giác quan đều hữu ích và tốt đẹp. Có thể từ bên trong, bạn sẽ nghe thấy lời phản biện: “Nhưng cuộc sống này vẫn luôn có những mặt xấu không tránh được”. Đây chính là nơi những lời tự kỷ ám thị có thể xâm nhập và hoạt động. Ý nghĩa tiềm ẩn của triết ký sống Tinh thần vui tươi là: Tìm kiếm điều tốt đẹp trong bất cứ điều gì bạn nhìn thấy, nghe, nếm, cảm nhận hoặc ngửi được. Bạn càng lặp đi lặp lại một cách có ý thức về một thông tin nào đó, cũng như càng dành nhiều niềm tin và cảm xúc cho điều đó, nó sẽ càng gắn chặt hơn vào tiềm thức bạn. Tương tự, bằng cách xây dựng những suy nghĩ về thành công, bạn sẽ làm cho mọi điều trở thành sự thật hiển nhiên. Đó là cách nhiều người thành công áp dụng.
Những người thành công là những người luôn biết tìm kiếm khía cạnh vui tươi và tốt đẹp trong mọi việc. Từ hôm nay trở đi, bạn cũng nên như vậy. Bạn sẽ tươi cười cả những lúc không vui. Bạn sẽ không còn quá ích kỷ hay tự tôn về bản thân. Bạn sẽ nuôi dưỡng niềm vui, tính hài hước bằng cách mỗi ngày tìm ra một điều gì đó đề vui đùa, nhất là khi bạn cần giải tỏa căng thẳng. Bạn sẽ mở rộng tâm hồn, nới rộng vòng tay với tất cả mọi người để cảm thấy niềm vui luôn ngập tràn trong đời bạn.
Ám thị do tiềm thức
Ám thị do tiềm thức là cách truyền thông tin được lưu giữ trong tiềm thức. Thông tin sẽ trở về với bạn dưới dạng những ý nghĩ, giấc mơ, cảm xúc, khái niệm, quy tắc, giải pháp và suy nghĩ. Khi bạn cố nuôi dưỡng tâm trí mình bằng những ý nghĩ, thông tin tốt đẹp và giữ tâm trí mình trong một khuôn mẫu thích hợp, nghĩa là bạn đang cung cấp cho tiềm thức những “chất bổ” để phát triển toàn diện. Khi đó, bạn sẽ tự tạo nên sản phẩm của tinh thần bằng những “thức ăn” mà bạn cung cấp cho nó.
Những nhà lập trình máy tính đều có khái niệm GIGO (Garbage In, Garbage Out – “Nhận rác, thải rác”). Nếu máy tính nhận vào dữ liệu xấu thì nó cũng sẽ cho ra thông tin kém chất lượng. Tinh thần của bạn cũng hoạt động tương tự như vậy. Hãy lập trình cho tinh thần thần của bạn trên cơ sở NINO (Nourishment In, Nourishment Out- “Nhận bổ ích, xuất lành mạnh”). Và những thành phẩm mới ra lò này chính là hình thức tự động duy trì trạng thái tích của tâm hồn.
Thực hành: Tự gợi ý những điều tốt đẹp
“Gợi ý”, “tự kỷ ám thị” và “ám thị do tiềm thức” là những vấn đề của thói quen mà chúng ta có thể luyện tập được bằng cách quan tâm đến chúng. “Gợi ý” và “tự kỷ ám thị” là những thói quen mà bạn có thể xây dựng cho mình, chúng được ví như “thức ăn tinh thần”. “Ám thị do tiềm thức” là loại ám thị cần đến sự chú ý của chúng ta, đó là cách cảm nhận niềm vui khi có được suy nghĩ hay cảm xúc mới. Hãy luyện tập như vậy mỗi ngày.
Gợi ý: Hãy tạo ra thói quen cho mình bằng cách dành cho một trong năm cảm giác được cảm nhận những điều tốt đẹp và ý nghĩa. Hãy ngắm nhìn vẻ đẹp của một bông hoa, đi thăm một hiệu bánh và hít mùi thơm. Hãy đến với những buổi hòa nhạc, nghe một chương trình thú vị trên ra-đi-ô, nếm hương vị tuyệt hảo của bánh mì như thể đó là món ăn duy nhất bạn có trong ngày. Hãy cảm nhận cảm giác sần sùi của vỏ cây. Hôm nay, bạn sẽ làm gì để nuôi dưỡng giác quan của mình bằng những “thức ăn” bổ dưỡng?
Ám thị do tiềm thức: Hãy nhận biết một cách có ý thức về thái độ bạn cần phải có khi đến với những “ám thị do tiềm thức”. Đó không phải là những ý tưởng, khái niệm, giải pháp hay những cảm xúc dễ chịu, mà phải là cảm xúc thăng hoa trong niềm vui khó có thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Bạn hãy dành một ít thời gian để ghi lại những bước tiến của tinh thần: Hôm nay, tiềm thức đã cho bạn thường thức “món ngon” nào?
Trích Chìa khoá tư duy tích cực – Michael J. Ritt, Jr.

Chìa khoá tư duy tích cực (bước Cool
30/06/2010

Bước 8: Sự sáng suốt nội tâm của lời cầu nguyện
Có thể bạn không tin về sự hiện diện của Thượng đế, hay một Đấng vô hình có quyền năng tối cao, nhưng bạn không thể phủ nhận nguồn sức mạnh nội tâm vô hình bạn nhận được mỗi ngày, dù rằng không thể nhận rõ bằng mắt thường.


Việc bạn gọi tên “Đấng quyền năng tối cao” ấy là gì không quan trọng, miễn là bạn nhận được rằng, thế giới này đang được điều khiển theo một trật tự riêng. Đó là quy luật của tạo hóa đang vận hành trong thế giới này; bạn có thể nhận ra điều ấy qua cảnh bình minh rực rỡ, qua cây sồi vĩ đại lớn lên từ hạt sồi chứ không từ hạt táo, và qua các hành tinh, những vì tinh tú chuyển động theo quỹ đạo hết sức hài hòa và đều đặn trong không gian bao la của vũ trụ.
Hãy tin rằng, Thượng đế luôn lắng nghe mọi điều xuất phát từ chính tâm tư bạn, bất kể đó là điều lớn lao hay nhỏ bé. Lời nguyện ước của con người và sự quảng đại của Thượng đế giống như cái thùng bên giếng nước: một cái chứa đựng và một cái cho đi.
Thực hành: Sử dụng quyền năng của nguyện cầu
Để bắt đầu quá trình thực hành những lời nguyện ước, bạn hãy tập luyện bảy bước sau:
- Nói lên lời nguyện ước.
- Suy nghĩ.
- Nói chuyện với những người khôn ngoan, nhưng không lấy tư tưởng của họ làm quyết định cuối cùng.
- Có chế độ ưu tiên cho những mong muốn của bạn và đừng quá lo sợ về điều đó.
- Hãy làm những việc tiếp theo, dù là nhỏ bé để chuẩn bị cho những việc lớn lao.
- Quyết định và hành động để thực hiện điều đó.
- Hãy tin rằng bạn luôn được một sức mạnh thần bí dẫn dắt.
Trích Chìa khoá tư duy tích cực – Michael J. Ritt, Jr

Chìa khoá tư duy tích cực (bước 9)
08/07/2010


Bước 9: Đặt ra mục tiêu
Trong cuộc sống, bạn có quyền lựa chọn điều mình mong muốn. Khi đã quyết định mục tiêu, bạn vận dụng tâm trí để vươn tới chúng. Bạn có khả năng làm được tất cả mọi việc – miễn là việc đó không vi phạm quy luật của Tạo hóa và không xâm phạm đến nhân quyền. Khi biết mình có khả năng hoàn thành mọi mục tiêu đặt ra, hãy sẵn sàng trải nghiệm những điều thú vị của sự hiểu biết ấy.


Đặt ra mục tiêu là giữ cho tâm trí hướng tới những điều mình mong muốn và tránh xa những gì không mong đợi, như đã đề cập trong bước 2. Mỗi ngày, bạn phải tập cách xác định những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, điều này rất quan trọng. Hãy viết ra những mục tiêu của bạn, tưởng tượng ra cảnh bạn đã đạt được chúng, và hãy thường xuyên để ý đến chúng với niềm hy vọng.
Khát khao đạt đến ước mơ
Khát khao của mỗi chúng ta thể hiện bằng quyết tâm, sự cân nhắc, xác định mục tiêu cụ thể và tập luyện. Khát khao giúp bạn đặt ra và đạt được mục tiêu như mong muốn. Hãy quyết tâm và nhận biết thật cụ thể điều bạn muốn trong tâm trí. Rồi suy nghĩ kỹ về những điều bạn muốn tặng lại cuộc sống sau khi đã đạt được mục tiêu. Bạn cần hoạch định thời hạn nhất định cho mục tiêu của mình, và cần bắt tay vào thực hiện ngay. Tôi khuyên bạn ghi nhớ trong lòng ba chữ thực hiện ngay; hãy lặp đi lặp lại như vậy 50 lần mỗi sáng, 50 lần mỗi buổi tối bằng cả sự nhiệt tình trong khoảng từ một tuần đến mười ngày. Điều ấy rồi sẽ ăn sâu vào tiềm thức bạn. Khi đó, bạn có thể sẵn sàng hành động để đạt được ước mơ bất cứ khi nào.
Sự thành công dành cho tất cả những ai biết cố gắng. Khi cố gắng, ta chẳng mất điều gì cả, mà ngược lại, nếu thành công, ta sẽ được gấp bội. Vì thế, không lý do gì để không ngừng nỗ lực và thực hiện ngay những gì có thể!
Hãy vạch ra từng bước kế hoạch của bạn lên giấy. Hãy viết thật rõ ràng và chính xác điều bạn mong muốn, thật cụ thể về thời điểm bạn muốn đạt được, và cũng thật cụ thể về điều mà bạn sẽ tặng lại cho đời. Hãy viết thật chính xác, vì sự mơ hồ sẽ cản trở thành công.
Mỗi buổi sáng và khi đêm về, bạn hãy đọc lớn thành tiếng những điều đã viết. Trong khi đọc, hãy tưởng tượng hình ảnh bạn nhận được điều đó. Hãy nhìn, cảm nhận và tin vào chúng.
Thực hành: Đặt ra mục tiêu
Bạn hãy tìm cho mình một mục tiêu để hướng đến. Để làm điều đó, hãy áp dụng công thức sau:
Quyết tâm: Bạn ước muốn điều gì? (Thật cụ thể.)
………………………………………………………………………………...
Cân nhắc: Bạn sẽ cho đi điều gì khi nhận được điều mong ước?
………………………………………………………………………………..
Thời hạn: Bạn muốn nhận được điều ấy khi nào?
………………………………………………………………………………..
Xác định: Hãy lập một kế hoạch. Ngay bây giờ bạn sẽ làm gì?
………………………………………………………………………………..
Lập lại kế hoạch từng bước một bằng cách viết ra giấy.
1. .........................................................
2. .........................................................
3. ........................................................
4. ........................................................
5. ........................................................

Trích Chìa khoá tư duy tích cực – Michael J. Ritt, Jr.

Chìa khoá tư duy tích cực (bước 10)
21/07/2010

Bước 10: Tìm hiều, suy nghĩ và lên kế hoạch từng ngày
Điều bạn phải trả nợ bản thân là phát triển và duy trì thái độ sống tích cực để được nhận từ cuộc sống những điều như mong ước.
Một quý ông đến gặp tôi và kể nhiều về những khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Mặc dù, ông rất thành công trong nghề nghiệp, nhưng hầu như ông không hạnh phúc. Tôi hỏi thăm xem ông có quyển sách nuôi dưỡng tâm hồn nào chưa, ông nói trong thư viện nhà ông có rất nhiều cuốn sách ấy. Tôi hỏi thêm: ”Thế ông có đọc chúng không?”. Ông trả lời: ”Không, tôi làm gì có thời gian mà đọc sách”.



Ông ấy đã lầm! Những người thành công thực sự luôn biết sắp xếp thời gian để làm việc những việc quan trọng, đặc biệt là đọc sách và tìm hiểu loại sách nâng cao năng lực tinh thần để thăng tiến, tìm kiếm thành công và phát triển chuyên môn của mình, hoặc có được sức khỏe thể chất, tinh thần, tâm linh.
Để thực hiện việc này, điều quan trọng là mỗi ngày, bạn phải dành thời giờ cho bản thân, ít nhất từ 15 đến 20 phút để:

- Nghĩ về mục tiêu của mình với thái độ tích cực.

- Kiểm tra thái độ của mình có lạc quan tươi vui hay không.
- Kiểm tra hành động và suy nghĩ của mình.


- Đọc những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn, dù chỉ một đoạn, một trang hay một chương với lòng nhiệt thành.

- Tìm hiểu, suy nghĩ và lên kế hoạch thật tích cực.



Thực hành: Tìm hiểu, suy nghĩ và lên kế hoạch từng ngày
Hãy sẵn sàng cho sự phát triển tinh thần tích cực trên quãng đường tương lai của mình. Bạn cần phải học hỏi điều gì lúc này? Trước tiên, hãy xây dựng tính tực lập và tự giác cho mình bằng việc đọc sách báo hoặc nghe băng đĩa nói về tinh thần sống tích cực. Việc tham khảo từ sách báo không chỉ giúp bạn mở mang trí óc mà còn giúp bạn học hỏi hoặc xác định xem những nguyên tắc nào là phù hợp với mình để vận dụng. Học thuộc lòng những ý tưởng hay câu nói mà bạn tin chúng có ích cho bạn. Hãy chọn không gian phù hợp, nơi bạn có thể tập trung mà không bị quấy rầy. Dùng một quyển sổ và cây viết để ghi lại quyết tâm, ý tưởng, động lực mà bạn cần ôn đi ôn lại thường xuyên.
Điều đầu tiên tôi cần tìm hiểu là:
..................................................................................................
W.Clement Stone có lần đã nói với tôi về sự khác biệt giữa một quyển tiểu thuyết và một quyển sách nâng cao năng lực bản thân như sau: trong tiểu thuyết, tác giả là người viết phần kết, nhưng trong một quyển sách nâng cao năng lực bản thân, chính độc giả sẽ viết phần kết bằng hành động của mình.
Bạn hãy sẵn sàng để viết câu chuyện về thành công của mình. Sau đó, thu xếp thời gian thực hiện chúng. Hãy dành những phút giây tuyệt diệu nhất trong ngày để tìm hiểu, suy nghĩ và lên kế hoạch cho tương lai.
Trích Chìa khoá tư duy tích cực – Michael J. Ritt, Jr

Lý Nhã Uyên
Lý Nhã Uyên
Quản trị viên Thiên Pháp
Quản trị viên Thiên Pháp

Tổng số bài gửi : 75
Join date : 14/12/2011
Đến từ : Quận 1 ,TP Hồ Chí MInh

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết